Impact Factor là gì?

Thực tế bạn có thể hiểu nôm na nó chính là một chỉ số để phản ánh mức độ uy tín của một tạp chí. Tạp chí có Impact factor càng cao thì càng uy tín và ngược lại càng thấp thì càng ít uy tín. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng, để có impact factor thì tạp chí phải được lựa chọn và đưa vào trong danh sách của Web of Science (trước đây gọi là ISI). Vì thế, cho dù tạp chí có impact factor thấp đến đâu đi chăng nữa thì khi được lựa chọn vào trong danh sách này thì cũng là những tạp chí có chất lượng nhất định. 

 

Hàng năm thì Web of Science sẽ có một cái báo cáo được gọi là báo cáo trích dẫn tạp chí, tiếng Anh gọi là Journal Citation Report, để thông báo về impact factor của từng tạp chí được lựa chọn trong hệ thống của Web of Science vào năm đó. Trong báo cáo gần nhất vào 2020, thì tổng số chỉ có khoảng hơn 15 nghìn tạp chí của các chuyên ngành khác nhau được ghi nhận và tính impact factor. 

 

Trong trường hợp tạp chí đạt một số điều kiện cơ bản, nhưng chưa được đưa vào trong danh sách của báo cáo trích dẫn,  thì có thể sẽ được đưa vào một danh sách dự bị để theo dõi, đó là danh mục Emerging Sources Citation Index (ESCI), trong kỳ đánh giá tiếp theo nếu tạp chí đạt yêu cầu thì sẽ đưa vào danh mục chính và lúc đó sẽ được tính impact factor. Các tạp chí sẽ được đánh giá lại hàng năm, vì thế impact factor sẽ thay đổi hàng năm, có thể tăng lên hoặc giảm đi. Nếu tạp chí nào có vấn đề về quá trình bình duyệt và xuất bản có thể bị loại ra khỏi danh sách và những tạp chí ở danh sách dự bị có thể sẽ được bổ sung vào danh mục chính. 

 

Để tính Impact factor, thì người ta sẽ làm như sau, lấy tổng số trích dẫn của 2 năm liền trước chia cho tổng số bài báo xuất bản trong 2 năm đó. Ví dụ, một tạp chí tổng trích dẫn trong 2 năm liền trước là 300, và tổng số bài báo được xuất bản trong thời gian này là 150 bài, thì impact factor sẽ được tính là 300/150=2, và impact factor sẽ là 2. 

 

Thực tế thì impact factor cũng có những hạn chế nhất định, ví dụ như những tạp chí thuộc chuyên ngành hẹp thì thường có impact factor cao hơn do các tác giả sau thường sẽ trích dẫn của các tác giả đi trước, cụ thể là các chuyên ngành về gene và sinh học phân tử. Các tạp chí có chuyên ngành rộng thì impact factor sẽ thấp hơn vì dụ như y tế công cộng, dịch tễ. Ngoài ra, một số tạp chí lại có những mẹo để khiến các tác giả trích dẫn lẫn nhau trong chính tạp chí đó cũng khiến cho số lượng trích dẫn tăng lên. Đã có tạp chí đã bị loại khỏi danh mục của Web of Science vì vấn đề này.  

 

Để biết được impact factor của một tạp chí thì tương đối là đơn giản. Bạn chỉ cần vào google rồi đánh tên của tạp chí rồi kèm theo chữ impact factor. Ngoài ra, chúng ta có thể truy cập vào trang web của các tạp chí để biết được impact factor của tạp chí đó. Bởi vì cái này giống như một cái mác thương hiệu về sự uy tín nên các tạp chí thường sẽ thích trưng ra. Tuy nhiên, sẽ có những tạp chí săn mồi sẽ làm giả impact factor, vì thế bạn vẫn cần phải kiểm tra xem chúng thực sự có trong danh sách của báo cáo trích dẫn hay không.

 

Hy vọng đến đây bạn đã phần nào hiểu được Impact factor có nghĩa là gì và qua đó có thể định hướng tốt hơn tạp chí để nộp bài. 

Bài viết cùng danh mục